Thứ Hai 25 , Tháng 03, 2019
Chia sẻ về những bất cập trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cuộc họp với Đoàn công tác của Tổng cục Hải quan ngày 19/3, ông Phạm Lê Tuấn, Giám đốc Công ty ô tô ISUZU cho biết, công ty này nhập khẩu phụ tùng ô tô phục vụ cho lắp ráp xe ô tô nguyên chiếc. Sau khi lắp lắp xe hoàn chỉnh, công ty phải thực hiện đăng kiểm cho cả chiếc xe để công bố hợp quy trước khi đưa ra thị trường. Theo quy định hiện hành, khi nhập khẩu các linh kiện để lắp ráp, công ty đều phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Như vậy, linh kiện ô tô nhập khẩu phải kiểm định chất lượng 2 lần. Từ bất cập về kiểm tra chuyên ngành nêu trên, Giám đốc Công ty ô tô ISUZU kiến nghị, không kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm phục vụ cho lắp ráp xe ô tô hoàn chỉnh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn kiến nghị, xem xét không kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng là kinh kiện phục vụ cho vấn đề hậu mãi.
Liên quan đến bất cập nêu trên, ông Lê Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý- Cục Hải quan TPHCM cho rằng, trên thực tế nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phụ tùng ô tô gặp vướng mắc như của ISUZU. Đối với nhóm mặt hàng nhập khẩu thuộc mã HS 8708 theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải (thuộc Phụ lục II, Thông tư 41). Đối với những sản phẩm này, doanh nghiệp không phải nộp thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan, nhưng phải nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng trước khi thông quan theo quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP. Theo Cục Hải quan TPHCM, quy định này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp đưa ra thị trường tiêu thụ, còn đối với doanh nghiệp nhập khẩu phục vụ sản xuất, lắp ráp xe tại các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp là chưa phù hợp. Bởi vì, sản phẩm cuối cùng được sản xuất, lắp ráp là xe ô tô hoàn chỉnh. Với sản phẩm này, nhà sản xuất bắt buộc phải thực hiện việc chứng nhận, công bố hợp quy trước khi đưa ra thị trường.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Cục Hải quan TPHCM đề nghị không thực hiện việc kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa thực hiện Phụ lục II trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu phục vụ cho việc sản xuất, lắp ráp xe ô tô của chính doanh nghiệp.
Không chỉ than khổ vì thủ tục chồng chéo, một số doanh nghiệp còn mất cơ hội kinh doanh do vướng thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đại diện Tập đoàn ô tô Trường Hải cho biết, nhằm mở rộng xuất khẩu xe ô tô sang Thái Lan, đơn vị đưa xe sản xuất tại Việt Nam tham gia triển lãm tại Thái Lan theo hình thức tạm xuất, tái nhập. Tuy nhiên, khi làm thủ tục tạm xuất, doanh nghiệp được yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểm định. Không lo được giấy kiểm định chất lượng, DN mất cơ hội tham gia triển lãm, đồng nghĩa với việc mất cơ hội kinh doanh. “Sắp tới, Trường Hải sẽ xuất khẩu lô xe bus sang Thái Lan, nhưng nếu thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn không được thay đổi, sẽ làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp”- đại diện Tập đoàn ô tô Trường Hải cho biết.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, thủ tục kiểm tra chuyên ngành mặc dù đã có chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành chưa thống nhất trong việc quản lý. Nhiều trường hợp chồng chéo (cùng một mặt hàng nhưng nhiều bộ ngành quản lý, quy định trùng lắp hoặc không thống nhất, khó thực hiện). Hiện vẫn còn một số mặt hàng nhập khẩu chịu sự quản lý của nhiều bộ ngành, như: Ra đa hàng hải – vừa kiểm tra chất lượng theo Thông tư 04/2018/TT-BTTT của Bộ Thông tin Truyền thông, vừa kiểm tra chất lượng theo Thông tư 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 của Bộ Giao thông vận tải; Hệ thống lạnh – vừa kiểm tra chất lượng theo Quyết định 3482/QĐ-BKHCN ngày 8/12/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ, vừa phải kiểm tra chất lượng theo Thông tư 22/2018/TT-BLĐTBXH ngày 6/12/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; thang máy, nồi hơi – vừa kiểm tra chất lượng theo Thông tư 41/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, vừa kiểm tra chất lượng theo Thông tư 22/2018/TT-BLĐTBXH ngày của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Trên thực tế, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và chi phí cho khâu kiểm tra chuyên ngành do các cơ quan này chưa áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chưa có quy định công nhận kết quả kiểm tra của các nước xuất khẩu (kể cả xuất xứ từ các nước có trình độ sản xuất tiên tiến như Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada…) dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa…
Từ thực trên, cơ quan Hải quan đề xuất cải cách và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành thống nhất giữa các bộ, ngành. Trong đó, xây dựng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành cần nêu rõ tên hàng, mã số HS thống nhất với mã số hàng hóa trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành; hình thức và điều kiện quản lý chuyên ngành cụ thể, rõ ràng, thủ tục quy định đơn giản. Hạn chế ràng buộc hoặc giới hạn phải kiểm tra một nơi nhất định, mà có thể đăng ký kiểm tra tại nơi DN thấy thuận tiện nhất để giảm chi phí phát sinh nhằm tạo thuận lợi cho DN và cơ quan Hải quan.
Nguồn: Lê Thu – Báo Hải Quan