Nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại về xuất xứ hàng hóa là do các đối tác nghi ngờ có việc làm giả chữ ký có thẩm quyền ký C/O và tổ chức cấp phát C/O theo quy định pháp luật Việt Nam đối với hàng chuyển tải bất hợp pháp, hàng không đủ tiêu chuẩn về xuất xứ Việt Nam.
Ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký VIAC cho biết, tính đến hết tháng 12/2018, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam nhận được 110 thư yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Trong đó VCCI đã trả lời 105 thư thẩm tra và thẩm tra cho 237 bộ chứng từ.
Các mặt hàng bị yêu cầu thẩm tra phổ biến là xe, lốp xe, đinh vít, quần áo, gạch men, tôm, thực phẩm, găng tay, da giày. Trong đó thị trường EU chiếm 90%, còn lại 10% là các thị trường khác chủ yếu là Đài Loan, Ấn Độ, Turkey, Iraq.
Đối với nghi ngờ về hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam chủ yếu đối với các mặt hàng nhạy cảm đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu với số lượng lớn sang các nước hoặc các mặt hàng bị ngi nghờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.
Điển hình trong 2016, Việt Nam nhập khẩu trên 1 triệu tấn nhôm, tuy nhiên mặt hàng nhôm xuất khẩu lấy xuất xứ Việt Nam rất khiêm tốn dẫn đến mặt hàng này bị điều tra về xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng đặt ra vấn đề về gian lận hàng hóa làm tăng phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng đến vấn đề điều tra xuất xứ hàng hóa.
Theo ông Châu Việt Bắc, thực tế cho thấy trong quá trình kiểm tra xuất xứ hàng hóa các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một số vấn đề về chứng từ, dữ liệu, cơ sở sản xuất… không đáp ứng được yêu cầu kiểm tra. Do vậy, để chủ động ứng phó việc quản trị chứng từ liên quan đến xuất xứ hàng hoá và giá cả phải chuyên nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp cần lưu trữ, quản lý chứng từ xuất xứ hàng hóa để sẵn sàng phục vụ cho quá trình kiểm tra…/.